Hướng dẫn đọc hiểu thông số kỹ thuật của mỡ bò chịu nhiệt
Để lựa chọn đúng khi mua mỡ bò chịu nhiệt, bạn cần nắm rõ một vài kiến thức cơ bản về thông số kỹ thuật của mỡ bò chịu nhiệt. Dưới đây là thông tin giải thích ngắn gọn về các thuật ngữ có trong thông số kỹ thuật có thể bạn sẽ thường xuyên gặp phải, qua đó giúp bạn có thể đọc, hiểu rõ hơn về mỡ bò chịu nhiệt.
Các thuật ngữ có trong thông số kỹ thuật của mỡ bò chịu nhiệt
Dưới đây là thông tin chi tiết nhất giải thích cho bạn các thuật ngữ thường xuyên xuất hiện trong thông số kỹ thuật của mỡ bò chịu nhiệt:
Color (Màu sắc)
Chỉ số này thể hiện màu sắc ngoại quan của mỡ bò chịu nhiệt được nhìn thấy bằng mắt thường, màu sắc của sản phẩm thường phụ thuộc vào các chất phụ gia và chất làm đặc hoặc thậm chí là chất nhuộm có trong mỡ.

Xem thêm: Màu sắc của mỡ bò chịu nhiệt quyết định điều gì?
Thickener (Chất làm đặc)
Chất làm đặc chiếm 10-15% và là thành phần không thể thiếu trong sản xuất mỡ bò chịu nhiệt, nó còn được xem như là chất để phân biệt giữa dầu nhớt và mỡ bò chịu nhiệt. Chất làm đặc là các phân tử, polyme hoặc hạt hoà tan một phần trong dầu gốc.
Base Oil (Dầu gốc)
Dầu gốc chiếm 85-90% trong thành phần của Mỡ bò chịu nhiệt, các loại dầu gốc thường được sử dụng để sản xuất mỡ bò chịu nhiệt bao gồm:
- Dầu gốc khoáng (Mineral): Có nguồn gốc từ dầu mỏ
- Dầu gốc phân huỷ sinh học: Có nguồn gốc từ động thực vật
- Dầu gốc tổng hợp: Polyalphanolefin (PAO), Polyalkylene Glycol (PAG), Este, GTL…

Viscocity (Độ nhớt)
Độ nhớt là đại lượng mô tả sự chống lại tính chảy của chất lỏng. Đối với mỡ bò chịu nhiệt, độ nhớt quyết định độ dày màng bôi trơn, độ bền màng bôi trơn và do đó quyết định đến hiệu quả bôi trơn. Độ nhớt phải phù hợp với tải trọng, tốc độ làm việc của bộ phận mà nó bôi trơn. Theo tiêu chuẩn ISO, độ nhớt được quy định đo ở 40°C, vì độ nhớt thay đổi theo nhiệt độ. Giá trị độ nhớt ở 100 ° C (210 ° F) cho phép tính toán chỉ số độ nhớt (Viscocity Index), ví dụ độ nhớt sẽ giảm bao nhiêu khi nhiệt độ tăng.

Temperature range (Phạm vi nhiệt độ)
Phạm vi nhiệt độ là phạm vi nhiệt độ mà tại đó mỡ bò chịu nhiệt vận hành trơn tru. Nó trải dài giữa giới hạn nhiệt độ thấp (LTL) và giới hạn nhiệt độ cao (HTPL) trong đó:
- LTL (Low Temperature Limit) là điểm giới hạn nhiệt độ thấp nhất mà mỡ vẫn đảm bảo bôi trơn, cho phép ổ trục quay trơn tru. Dưới nhiệt độ này, mỡ trở nên quá đặc, cản trở chuyển động
- HTPL (High Temperature Performance Limit) là điểm giới hạn nhiệt độ cao nhất mà mỡ có thể sử dụng được trước khi bắt đầu phân huỷ mất kiểm soát, ảnh hưởng đến đặc tính và tuổi thọ bôi trơn.
Dropping point (Điểm nhỏ giọt)
Điểm nhỏ giọt của mỡ bò chịu nhiệt là chỉ số về khả năng chịu nhiệt của mỡ và là nhiệt độ mà mỡ bôi trơn chuyển từ trạng thái nửa rắn sang trạng thái lỏng trong các điều kiện thử nghiệm cụ thể. Quan trọng nhất bạn phải hiểu rằng, điểm nhỏ giọt chỉ ra giới hạn nhiệt độ mà tại đó mỡ vẫn giữ được cấu trúc của nó, tuy nhiên nó không phải là nhiệt độ tối đa mà mỡ có thể chịu được trong quá trình sử dụng. Điểm nhỏ giọt luôn lớn hơn rất nhiều so với HTPL
Tìm hiểu thêm: Phương pháp xác định điểm nhỏ giọt (Dropping Point)
Consistency (Độ đặc)
Độ đặc là 1 trong những đặc tính quan trọng nhất cần xem xét khi lựa chọn mỡ bò chịu nhiệt phù hợp với yêu cầu bôi trơn. Nếu quá mềm, mỡ có thể sẽ bị chảy ra khỏi vị trí mà nó cần bôi trơn. Ngược lại, nếu quá cứng, mỡ sẽ không bôi trơn được tới vị trí cần bôi trơn. Độ đặc của mỡ bò chịu nhiệt được đo theo thang đo do Viện Mỡ Bôi Trơn Quốc Gia (NLGI) phát triển (Trong thông số kỹ thuật thường thể hiện là NLGI Grade – Cấp NLGI). Mỡ càng mềm thì cấp NLGI càng thấp, mỡ sử dụng cho vòng bi thường có cấp NLGI 1, 2 hoặc 3.

Tìm hiểu thêm: NLGI là gì? Phân loại và phương pháp thử nghiệm độ xuyên kim
Water resistance (Khả năng kháng nước)
Khả năng kháng nước của mỡ bò chịu nhiệt là khả năng bám dính của mỡ trên vòng bi trong điều kiện ẩm ướt. Phương pháp đo như sau: Một tia nước được phun vào vỏ của vòng bi ở tốc độ dòng chảy 5 ml/s tại nhiệt độ 79°C. Sau khi thử nghiệm, vỏ vòng bi được mở ra và sấy khô ở 77°C trong 15 giờ. Kết quả thu được bằng lượng mỡ bị rửa trôi. Tỷ lệ phần trăm mỡ bám lại trên ổ trục càng cao, tính năng chống nước rửa trôi của nó càng tốt.

Copper corrosion (Ăn mòn tấm đồng)
Đây là chỉ số để xác định khả năng bảo vệ kim loại đồng/kim loại vàng và các hợp kim mềm khác (đôi khi có trong vòng bi) của mỡ bò chịu nhiệt. Chỉ số này thu được bằng cách nhúng tấm đồng vào mỡ tại nhiệt độ 40°C tròng vòng 24h, sau đó tấm đồng này được làm sạch và so sánh với bảng màu tiêu chuẩn ASTM. Mức độ “1a” là mức độ ăn mòn thấp nhất trên thang đo.

Four Ball Weld Load (Tải hàn 4 bi)
Tải hàn 4 bi là phương pháp đo tải trọng chịu đựng tối đa hoặc tính chất chịu cực áp (EP) của mỡ bò chịu nhiệt. Phương pháp này được thực hiện bằng cách sử dụng một máy thử chuyên dụng gồm bốn viên bi thép được sắp xếp theo hình kim tự tháp. Mẫu mỡ được đặt giữa các viên bi, sau đó máy sẽ tạo ra tải trọng lên các viên bi, đồng thời quay chúng với tốc độ nhất định. Tải trọng tối đa mà mỡ có thể chịu được trước khi xảy ra hiện tượng hàn dính giữa các viên bi được gọi là Tải hàn 4 bi.
Four Ball Wear (Mài mòn 4 bi)
Mài mòn 4 bi là phương pháp để xác định các đặc tính chống mài mòn của mỡ bò chịu nhiệt. Trong thử nghiệm mài mòn 4 bi, một viên bi thép được quay trên ba viên bi thép tĩnh được bôi trơn dưới một tải trọng, tốc độ, nhiệt độ và thời gian cụ thể, theo tiêu chuẩn ASTM D-2266. Khi hoàn thành thử nghiệm, 3 “vết mòn” được đo và tính toán mức độ mòn trung bình. Mỡ chống mài mòn càng tốt thì “Vết mòn” sẽ càng nhỏ trên ba quả bóng tĩnh.
Kết luận
Bài viết trên giúp bạn Đọc và hiểu được thông số kỹ thuật của mỡ bò chịu nhiệt, việc này giúp ích rất nhiều cho bạn khi lựa chọn sản phẩm phù hợp cho máy móc của mình. Lưu ý các kết quả thí nghiệm trong thông số kỹ thuật đều là kết quả của các phương pháp đo cụ thể, ngoài chú ý vào kết quả đo được, bạn phải để ý đến cả phương pháp thí nghiệm.